LỄ BẾ MẠC TIỂU DỰ ÁN MUTRAPIII- FTU

Sau ba mươi tháng hoạt động, trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III (EU – VIỆT NAM MUTRAP III), tại Hà nội, sáng ngày 20/2/2012 Trường Đại học Ngoại Thương sẽ tổ chức lễ bế mạc tiểu dự án MUTRAP III-FTU1.

Trường Đại học Ngoại Thương, với đơn vị trực tiếp thực hiện Dự án này là Khoa Quản trị Kinh doanh, là một trong 7 đơn vị được tiếp nhận khoản tài trợ trực tiếp trị giá 285.230 EUR (trong tổng trị giá 1.700.000 EUR) từ Liên minh Châu Âu. Dự án này là một hoạt động trong khuôn khổ Hợp phần 2 của Dự án EU – VIỆT NAM MUTRAP III với tên gọi: “Thiết kế và xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao về pháp luật thương mại quốc tế tại Trường Đại học Ngoại Thương nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập của Việt Nam vào hệ thống thương mại toàn cầu khi gia nhập WTO”. Với thời gian thực hiện là 30 tháng (từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2012), dự án đã hoàn thành đúng tiến độ và đạt được tất cả các mục tiêu tổng thể đã đề ra cụ thể như sau:

  1. Tăng cường năng lực của Trường Đại học Ngoại thương trong giáo dục/đào tạo và nghiên cứu về pháp luật thương mại quốc tế và hệ thống luật của WTO, trong đó đặc biệt đề cao việc học hỏi kinh nghiệm của các nước Châu Âu;
  2. Không ngừng cung cấp cho Việt Nam đội ngũ chuyên gia pháp lý có bằng cử nhân và thạc sỹ về pháp luật thương mại quốc tế được quốc tế công nhận;
  3. Liên tục cung cấp các khóa học chất lượng quốc tế đào tạo năng lực, kiến thức và kỹ năng chuyên môn về pháp luật thương mại quốc tế và hệ thống luật của WTO cho những người hoạt động trong lĩnh vực pháp lý của Việt Nam, những người đã có bằng luật và/hoặc có kinh nghiệm làm việc liên quan đến pháp lý; và
  4. Xây dựng và phát triển năng lực nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực pháp luật thương mại quốc tế của Trường Đại học Ngoại thương đạt chuẩn quốc tế.

Các kết quả cụ thể mà dự án đã đạt được trong ba mươi tháng như sau:

  1. 01 hội thảo quốc tế “Xây dựng các chương trình đào tạo pháp luật thương mại quốc tế tại trường Đại học Ngoại Thương” đã được tổ chức thành công tại Hà Nội, vào hai ngày 14 và 15/06/2010 với sự tham gia của hơn 150 đại biểu.
  2. 01 hội thảo quốc tế về “Nghiệm thu các chương trình đào tạo về luật thương mại quốc tế tại đại học ngoại thương do chuyên gia EU xây dựng” đã được tổ chức thành công tại Hà Nội vào ngày 06 tháng 10 năm 2010.
  3. Chương trình đào tạo bậc đại học đạt chuẩn quốc tế về pháp luật thương mại quốc tế đã được thiết kế, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét và đã được phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo- Quyết định số 2730 QD/ BGDDT ngày 5 tháng 7 năm 2011 và sẽ tiến hành tuyển sinh khóa đầu tiên trong năm tới (khoảng 70 sinh viên).
  4. Chương trình đào tạo thạc sỹ về pháp luật thương mại quốc tế đã được thiết kế dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn tối ưu của các trường đại học ở Châu Âu đã được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của Việt Nam, và sẽ tiến hành tuyển sinh khóa đầu tiên (khoảng 30 học viên)
  5. Khóa học ngắn hạn “KỸ NĂNG VẬN DỤNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA WTO VÀO VIỆT NAM” được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 15/2/2011 đến 25/2/2011, đã kết thúc tốt đẹp với sự tham gia của hơn 40 học viên.
  6. Khóa học ngắn hạn “KỸ NĂNG VẬN DỤNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA WTO VÀO VIỆT NAM” được tổ chức tại Hồ Chí Minh từ ngày 8/9/2011 đến 15/9/2011, đã kết thúc tốt đẹp với sự tham gia của hơn 40 học viên.
  7. Trung tâm Nghiên cứu về Pháp luật Thương mại quốc tế và hệ thống luật của WTO tại FTU đã được thành lập và triển khai hoạt động thông qua việc cộng tác với các chuyên gia của Châu Âu. Quyết định thành lập số 305/QD-DHNT-TCHC tháng 4 năm 2010.
  8. Đã có 5 bài báo được đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước trong thời gian hoạt động của trung tâm nghiên cứu.
  9. Đã có 15 giảng viên FTU đã tham gia vào các nghiên cứu khác nhau của Trung tâm Nghiên cứu về Pháp luật Thương mại quốc tế, qua đó nâng cao năng lực nghiên cứu độc lập, kỹ năng làm việc nhóm, giúp các giảng viên có thể làm việc độc lập trong tương lai hay thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học độc lập.
  10. Có 20 cộng tác viên tham gia thường xuyên vào hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu về Pháp luật Thương mại quốc tế.

Những con số kể trên thể hiện rõ năng lực nghiên cứu của đội ngũ các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Pháp luật Thương mại quốc tế và các nhà nghiên cứu làm cộng tác viên cho Trung tâm. Điều này cũng thể hiện rằng, mặc dù mới thành lập, Trung tâm đã tập hợp được nhiều nhà nghiên cứu có năng lực, có kinh nghiệm. Đây là một yếu tố khẳng định tính bền vững và khả năng phát triển của Trung tâm trong tương lai khi dự án đã kết thúc.

Tương tự như vậy, ngành pháp lý cũng được hưởng lợi lâu dài khi các kỹ năng của những người hoạt động trong lĩnh vực pháp lý tham dự khóa học chuyên sâu của Trường Đại học Ngoại thương được nâng cao (hơn 40 học viên).

Một trong những thành công nhất của dự án là việc Bộ Giáo dục cho phép trường Đại học Ngoại thương mở thêm chuyên ngành cử nhân Luật thương mại Quốc tế, chương trình này sẽ bắt đầu kỳ tuyển sinh đầu tiên vào năm học 2012-2013 này.

Tất cả các yếu tố này sẽ cùng giúp nâng tầm của ngành pháp lý của đất nước đạt chuẩn quốc tế và qua đó xây dựng năng lực của Việt nam để thực hiện thành công các cam kết WTO.

Buổi lễ Bế mạc sẽ có sự tham dự của khoảng 60 đại biểu đến từ Văn phòng Đại diện Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Văn phòng Dự án MUTRAP III, các cơ quan báo chí, các đơn vị nhận tài trợ tham gia thực hiện các dự án MUTRAP III khác, các đơn vị cùng tham gia thực hiện dự án MUTRAP III – FTU 1 cụ thể này, các chuyên gia luật trong nước cũng như đại diện lãnh đạo, giảng viên của trường Đại học Ngoại Thương. Cũng tại buổi lễ này, đơn vị chủ nhà là Khoa Quản trị Kinh doanh- trường Đại học Ngoại thương cùng các đơn vị tiếp nhận tài trợ từ dự án sẽ thảo luận, chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án MUTRAP III, các khó khăn, cách khắc phục khó khăn cũng như các thành tựu đã đạt được.