Tổng hợp những hoạt động trong thời gian gần đây của Dự án Mutrap III – FTU 1

Hợp đồng DCI-ASIE/2009/204-407 được ký giữa EC và trường Đại học Ngoại Thương (FTU) vào tháng 8 năm 2009 đã mở ra cơ hội để trường Đại học Ngoại Thương nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu pháp luật thương mại quốc tế. Dự án MUTRAP III- FTU1 với tên gọi “Thiết kế và xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao về pháp luật thương mại quốc tế tại Trường Đại học Ngoại Thương nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập của Việt Nam vào hệ thống thương mại toàn cầu khi gia nhập WTO” đã được triển khai một cách hiệu quả bởi Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngoại Thương trong suốt chín tháng qua kể từ khi bắt đầu Dự án.

Nhằm tạo cơ sở vững chắc cho các hoạt động của Dự án, một cuộc khảo sát gần 1000 tổ chức và doanh nghiệp về nhu cầu đào tạo và phát triển kỹ năng cho các chuyên gia pháp lý của Việt Nam trong giai đoạn sau khi gia nhập WTO đã được tiến hành ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc khảo sát đã cho thấy nhu cầu rất cao về đào tạo và phát triển kỹ năng về Luật thương mại quốc tế. Sau cuộc khảo sát, hai hoạt động quan trọng đã được tiến hành, cụ thể như sau.

1. Thành lập Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật Thương mại Quốc tế tại Trường Đại học Ngoại Thương

Dự án MUTRAP III- FTU1 đã chính thức được triển khai kể từ tháng 9 năm 2009, sau khi đã nhận được ý kiến tư vấn của các chuyên gia Châu Âu về thiết kế tổ chức và hoạt động của trung tâm và sau khi đã trình đề xuất thành lập Trung tâm lên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương, Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật Thương mại Quốc tế đã chính thức được thành lập vào tháng 4 năm 2010 theo Quyết định số 305/QĐ-ĐHNT-TCHC của Hiệu trưởng với các hoạt động cụ thể sau:

  • Hỗ trợ Ban Quản lý Dự án trong việc tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn chuyên sâu về các vấn đề pháp lý liên quan tới WTO;
  • Tiếp tục tổ chức các khóa học chuyên sâu tương tự, tạo quỹ cho chính Trung tâm;
  • Tiến hành các dự án nghiên cứu chung về pháp luật thương mại quốc tế và các vấn đề pháp lý liên quan tới WTO với các đối tác và cộng sự Châu Âu, và với các chuyên gia trong nước
  • Tiến hành xây dựng một tạp chí về pháp luật thương mại quốc tế và các vấn đề pháp lý liên quan tới WTO;
  • Tổ chức các hội nghị/hội thảo chuyên đề về pháp luật thương mại quốc tế và các vấn đề pháp lý liên quan tới WTO cho những người hành nghề và sinh viên; và
  • Tổ chức việc dịch sách mua từ Châu Âu cho các chương trình vừa mới triển khai.

2. Ký Hợp đồng tư vấn với các chuyên gia hàng đầu của Châu Âu nhằm thiết kế chương trình đào tạo khung và chương trình cụ thể cho các môn học về pháp luật thương mại quốc tế

Cũng trong tháng 4 năm 2010, ba Hợp đồng tư vấn của Dự án đã được ký kết với ba giáo sư nổi tiếng đến từ các trường đại học tại Châu Âu, đó là trường Đại học Maastricht (Maastricht, Hà Lan), và trường Đại học Bocconi (Milan, Ý). Đây là các trường đại học hàng đầu về pháp luật thương mại quốc tế, kinh tế quốc tế, chính sách thương mại quốc tế và chính trị thương mại quốc tế. Các trường đại học này đã có kinh nghiệm lâu dài tại Việt Nam và trong lĩnh vực thuộc nội dung của Dự án, chẳng hạn như xây dựng năng lực và đào tạo các tổ chức công và tổ chức tư nhân, hiện đại hóa chương trình và tăng cường hệ thống giáo dục, thành lập các trung tâm nghiên cứu…

Trường Đại học Ngoại Thương đã ký Hợp đồng tư vấn với các chuyên gia để thiết kế 3 chương trình đào tạo khung cùng chương trình cụ thể cho các môn học trong đó, phương pháp giảng dạy và đánh giá, và tài liệu giảng dạy cho các chương trình, cụ thể như sau:

–  Chương trình cử nhân Luật Thương mại Quốc tế;

–  Chương trình thạc sỹ Luật Thương mại Quốc tế; và

–  Khóa đào tạo ngắn hạn kéo dài 2 tuần về một số chủ đề chuyên sâu về các vấn đề pháp lý liên quan tới WTO.

Dưới đây là phần giới thiệu ngắn về ba chuyên gia Châu Âu đã cung cấp dịch vụ tư vấn cho trường Đại học Ngoại Thương.

1 Giáo sư Peter van den Bossche

Giáo sư Peter van den Bossche là thành viên Cơ quan phúc thẩm của WTO, Geneva (từ năm 2009); là Giáo sư về Pháp luật Kinh tế Quốc tế tại trường Đại học Maastricht; là thành viên Khoa Quốc tế của Viện Thương mại Thế giới tại Berne, Thụy Sỹ (từ năm 2002); Giám đốc Nghiên cứu của chương trình Thạc sỹ cao cấp về Pháp luật Kinh tế Quốc tế và Châu Âu tại trường Đại học Maastricht; và giữ nhiều vị trí quan trọng khác trong giới học thuật.

Giáo sư van den Bossche đã có hơn 26 năm kinh nghiệm, trong đó có 19 năm kinh nghiệm ở trường đại học và 7 năm tại các cơ quan xét xử cao nhất ở Châu Âu và WTO (Tòa án Châu Âu và Cơ quan phúc thẩm của WTO).

2 Giáo sư Giorgio Sacerdoti

Giáo sư Sacerdoti là Giáo sư về Pháp luật Quốc tế và Châu Âu  (Jean Monnet Chair) tại trường Đại học Bocconi; là một trong những chuyên gia hàng đầu, có uy tín nhất về pháp luật thương mại quốc tế tại trường Đại học Commerciale “Luigi Bocconi”. Giáo sư là thành viên Cơ quan Phúc thẩm của WTO, Geneva, (từ 2001 đến 2009), và là Chủ tịch của cơ quan này (từ 2006 đến 2007).

Giáo sư Sacerdoti cũng là Trọng tài viên và Chủ tịch của Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (ICSID) – Tổ chức trọng tài giữa quốc gia và nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Công ước Washington năm 1965; được nước Ý đề cử vào danh sách thành viên Hội thẩm của ICSID từ năm 1987; là Chủ tịch và Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài quốc tế (ICC), Trung tâm trọng tài quốc tế Luân Đôn (LCIA) và nhiều hội đồng trọng tài vụ việc khác trong các tranh chấp thương mại quốc tế.

3. Giáo sư Fabrizio Onida

Giáo sư Onida là Giám đốc Chương trình tiến sỹ Bocconi về Pháp luật và Kinh tế Quốc tế (từ 2007đến 2009); Chủ tịch danh dự Trung tâm nghiên cứu Bocconi về Quốc tế hóa tri thức và nghiên cứu công nghệ (KITES – Knowledge Internationalization and Technology Studies), Cựu Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu sáng tạo và quốc tế hóa (CESPRI – Centre of Research on Innovation and Internationalization) tại trường Đại học Bocconi. Ông là Giáo sư về Kinh tế Quốc tế tại trường Đại học Bocconi (từ năm 1983) và là Giáo sư cao cấp về Kinh tế Quốc tế từ ngày 1 tháng 11 năm 2009.

Sau Hợp đồng tư vấn ký với chuyên gia Châu Âu, một hội thảo đánh giá sẽ được tổ chức vào giữa tháng 6 để tập hợp ý kiến và/hoặc đề xuất từ các chuyên gia trong nước và các đại diện đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về ba chương trình nói trên, nhằm yêu cầu chuyên gia Châu Âu chỉnh sửa các chương trình (nếu cần thiết). Hội thảo này, cùng với các hoạt động khác của Dự án, sẽ thu hút sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật thương mại quốc tế, với hy vọng Dự án sẽ xây dựng một hướng đi mới về đào tạo cử nhân, thạc sỹ và những người hành nghề luật thương mại quốc tế tại Việt Nam.