Ngày 7/1/2022, Hội thảo tổng kết dự án “Nghiên cứu phát triển nền tảng số nhằm thúc đẩy thương mại và việc làm cho người khuyết tật tại Việt Nam” đã được tổ chức tại Khoa Kinh tế, trường Đại học Tây Nguyên. Đây là hội thảo lần thứ hai, tiếp sau Hội thảo lần thứ nhất được tổ chức tại Đại học Ngoại Thương vào tháng 3/2021, trong khuôn khổ chương trình tài trợ nhỏ cho các dự án nghiên cứu được đại sứ quán Úc tài trợ cho các cựu sinh viên từng học tập và công tác tại Úc. Thành viên nhóm dự án nghiên cứu có mã số tài trợ AAGF.R3.00104, gồm 3 giảng viên của khoa Quản Trị Kinh Doanh, Đại Học Ngoại thương và 1 giảng viên của Khoa Kinh tế, Đại Học Tây Nguyên.
Về phía Trường Đại học Ngoại Thương có sự tham gia của PGS.TS Lê Thái Phong, Trưởng khoa QTKD; PGS. TS. Thái Thanh Hà trưởng nhóm nghiên cứu, TS. Dương Thị Hoài Nhung, và các thành viên khác của nhóm nghiên cứu qua hình thức trực tuyến.
Về phía Trường Đại học Tây Nguyên có sự góp mặt của PGS. TS Lê Đức Niêm – Phó hiệu trưởng nhà trường, TS. Nguyễn Thị Hải Yến – trưởng khoa Kinh tế cùng Ban chủ nhiệm khoa Kinh tế, thành viên của dự án nghiên cứu, và các giảng viên trẻ của cùng tham gia.
Ngoài ra, tại Hội thảo còn có sự tham gia của các đại diện cơ quan ban ngành, doanh nghiệp, các cán bộ, giảng viên và các sinh viên quan tâm của cả 2 trường Đại học Ngoại Thương và Trường Đại học Tây Nguyên.
Trong khuôn khổ nội dung của hội thảo, có 06 bài tham luận và được trình bày bởi các giảng viên của hai trường, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn tại địa bàn Tây Nguyên. Tại Hội thảo lần này, các kết quả nghiên cứu, các ấn phẩm nghiên cứu như sách tham khảo, các bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế từ các hoạt động của dự án do Đại Sứ Quán Úc tài trợ đã được các thành viên nhóm nghiên cứu lần lượt giới thiệu và công bố.
PGS. TS. Thái Thanh Hà, trưởng nhóm nghiên cứu, giới thiệu sách tham khảo do nhóm nghiên cứu xuất bản tại Hội thảo tổ chức tại trường Đại Học Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhận được các ý kiến đóng góp mang tính thiết thực cho chương trình nghiên cứu nhằm hòa nhập người khuyết tật vào nền kinh tế số thông qua nền tảng số để thúc đẩy thương mại và việc làm. Tại hội thảo này, một số tổ chức là các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cũng đã bày tỏ sự quan tâm đối với việc kết nối giữa nhà trường, người khuyết tật, nhằm thực hiện đa dạng hơn trách nhiệm xã hội để người khuyết tật có thể tham gia thiết thực hơn vào các hoạt động thương mại, trên cơ sở khung pháp lý mang tính đa chiều trong đó nền kinh tế số, và các nền tảng số đóng vai trò trung tâm
Kết thúc hội thảo, các thành viên của đề tài nghiên cứu đã tiếp thu ý kiến và đề ra các hoạt động triển khai thực tế trong công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy và hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy sự lan tỏa kết quả nghiên cứu một cách thiết thực hơn trong thực tế vì sự hòa nhập của người khuyết tật vào sự phát triển của đất nước nói chung và của sự bùng nổ nền kinh tế số nói riêng.
Link Hội thảo lần thứ 2 do trường Đại học Tây Nguyên tổ chức có thể tham khảo tại đây: https://drive.google.com/file/d/1ZmqYM9giUq_d1KxRq68RWoRvGIcLxPLN/view?usp=sharing