Vào lúc 18h00 ngày 15/04/2025 tại Phòng A704, Trường Đại học Ngoại thương, buổi tọa đàm với chủ đề “Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong Thương mại điện tử” đã diễn ra thu hút sự tham gia của hơn 100 học viên cao học, nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến lĩnh vực này.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của các diễn giả uy tín, mang đến những góc nhìn đa chiều và sâu sắc:
● TS. Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, với góc nhìn tổng quan từ cơ quan quản lý nhà nước và định hướng chính sách.
● Ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, chia sẻ về khía cạnh thực thi và hội nhập quốc tế trong ứng dụng AI.
● TS. Nguyễn Hồng Quân, Trưởng Bộ môn TMĐT, Trường Đại học Ngoại thương, cung cấp góc nhìn từ nghiên cứu, học thuật và đào tạo nguồn nhân lực.
Xuyên suốt buổi tọa đàm dưới sự dẫn dắt và điều phối của TS. Nguyễn Hồng Quân bức tranh về AI trong thương mại điện tử đã được gợi mở đa chiều với các câu hỏi được gửi tới các diễn giả nhằm giải đáp các thắc mắc và băn khoăn trong việc ứng dụng trong TMĐT trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Cũng trong buổi toạ đàm TS. Lê Hoàng Oanh và Ông Nguyễn Anh Vũ, đã phác thảo một bức tranh toàn cảnh về vai trò và tác động của AI đối với ngành TMĐT Việt Nam và thế giới thông qua những phân tích, kết hợp với các ví dụ thực tiễn sinh động từ những mô hình thương mại điện tử điển hình như Shein, Temu, Shopee, Amazon, Alibaba… các diễn giả đã làm rõ cách AI đang thay đổi cuộc chơi, từ tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, cá nhân hóa đề xuất sản phẩm, quản lý chuỗi cung ứng, đến phòng chống gian lận và định hình các mô hình kinh doanh mới. Những chia sẻ không chỉ mang tính chính thống, bao quát về mặt chính sách mà còn rất thực tế, chạm đến những vấn đề cốt lõi mà doanh nghiệp đang đối mặt.
Không khí của buổi tọa đàm trở nên sôi nổi và thực sự ý nghĩa với phần thảo luận, đặt câu hỏi từ các học viên. Nhiều vấn đề thời sự, cấp thiết được đặt ra, thể hiện tư duy phản biện và sự quan tâm mạnh mẽ của người tham dự. Nội dung thảo luận xoay quanh các khía cạnh quan trọng như: khung pháp lý và quản lý sản phẩm trí tuệ do AI tạo ra, trách nhiệm với nội dung AI được “dạy”, vai trò của Bộ Công Thương và chính sách thuế trong TMĐT xuyên biên giới; rủi ro trong triển khai AI, bảo vệ dữ liệu cá nhân, xử lý gian lận và hàng giả trên sàn TMĐT; chính sách hỗ trợ TMĐT xuyên biên giới, ứng dụng tiền kỹ thuật số, hợp đồng thông minh và các vướng mắc thực tế trong vận hành quốc tế; và cuối cùng là chiến lược giúp doanh nghiệp Việt ứng dụng AI hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Đặc biệt, sự thẳng thắn và tâm huyết của các học viên được thể hiện qua những câu hỏi “hóc búa”, đòi hỏi sự phân tích sâu và tầm nhìn chiến lược từ các diễn giả. TS. Lê Hoàng Oanh đã dí dỏm chia sẻ rằng có những câu hỏi còn khó hơn cả các phiên chất vấn tại nghị trường, cho thấy chất lượng và chiều sâu của phần thảo luận.
Một khoảnh khắc lắng đọng và đầy ý nghĩa của buổi tọa đàm là khi một câu hỏi của TS. Nguyễn Hồng Quân – Trưởng Bộ môn TMĐT được đặt ra, chạm đến nỗi trăn trở chung: Làm thế nào để Việt Nam có thể xây dựng được hệ sinh thái thương mại điện tử “mang màu cờ sắc áo” quốc gia, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các nền tảng lớn trên thế giới? Câu hỏi không chỉ là một thắc mắc về kinh doanh, mà còn là khát vọng về vị thế và bản sắc Việt Nam trong kỷ nguyên số. Câu hỏi đã tạo ra một khoảng lắng trong buổi tọa đàm, để tất cả cùng suy ngẫm về con đường phía trước.
Buổi tọa đàm “Ứng dụng AI trong Thương mại điện tử” đã khép lại trong không khí hân hoan và tràn đầy cảm hứng. Sự kiện không chỉ cung cấp những thông tin giá trị, những góc nhìn đa dạng từ chính sách đến thực tiễn, từ học thuật đến hội nhập, mà còn thắp lên ngọn lửa đam mê, trách nhiệm và khát vọng đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành TMĐT Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, khi đất nước đang tiến vào kỷ nguyên vươn mình.




